Mặc dù chưa được phép mở cửa nhưng quán karaoke cafe Phố ở thôn Mia, xã An Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vẫn ngang nhiên hoạt động. Chỉ khi phát sinh ca dương tính với Covid-19, cấp ủy, chính quyền địa phương mới “tá hỏa” xem xét, kiểm điểm trách nhiệm thì đã muộn. Từ sự việc này cho thấy công tác quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo phát sinh hậu quả nghiêm trọng về dịch bệnh.
Chính quyền, ngành chức năng buông lỏng quản lý
Ngày 4/11/2021, trên địa bàn huyện Lạng Giang ghi nhận 10 ca F0 đều liên quan đến chùm ca bệnh tại quán karaoke cà phê Phố, trong đó có 3 nhân viên phục vụ. Quán karaoke này được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép kinh doanh vào năm 2014, chủ cơ sở là ông C. X. N (SN 1957) ở thôn Mia. Quán có 5 nhân viên nữ phục vụ quê ở hai tỉnh Nghệ An, Cao Bằng; 2 người giúp việc ở xã Đào Mỹ và Nghĩa Hòa (Lạng Giang).
Đến tối 5/11, ông N và con trai cũng trở thành F0. Qua truy vết, ông C. X. N có đi uống nước tại cơ sở karaoke Sắc Màu ở thôn De, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), có tiếp xúc với 1 nhân viên nữ là người mang nước ra. Điều đáng nói, mặc dù hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh vẫn phải tạm dừng theo chỉ đạo của tỉnh song cơ sở karaoke cà phê Phố vẫn ngang nhiên hoạt động, nằm ở ngay trung tâm xã, bám sát tỉnh lộ. Sáng 6/11, phát sinh thêm 5 F0, trong đó có 3 trường hợp liên quan quán karaoke cà phê Phố, 1 trường hợp liên quan quán karaoke Sắc Màu.
Từ ổ dịch này, hàng trăm người trở thành F1, F2; nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Lạng Giang bị phong tỏa, cách ly y tế. Tính đến ngày 6/11, huyện Lạng Giang đã phong tỏa toàn bộ 9 thôn (xã Hương Lạc 4 thôn, xã An Hà 5 thôn); phong tỏa một phần của 13 thôn ở 9 xã trên địa bàn huyện; kích hoạt 13 khu cách ly; hiện đã có 11 khu hoạt động với tổng số 966 người đang cách ly. Đồng thời, ra quyết định cho học sinh trên địa bàn huyện tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 5/11 cho đến khi có thông báo mới.
Cả hệ thống chính trị huyện Lạng Giang căng mình chống dịch. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 huyện nhận định đây là ổ dịch rất phức tạp, liên quan nhiều người ở nhiều xã, tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ F1 trở thành F0 rất cao; việc truy vết vô cùng khó khăn, vất vả.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã An Hà cho biết: Trong số 5 nhân viên nữ làm việc tại quán karaoke cà phê Phố, có 3 người đã đăng ký tạm trú, những người còn lại được Công an xã đưa vào sổ theo dõi lưu trú. Xã đã yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định về PCD song do chính quyền, ngành chức năng xã thiếu sát sao trong quản lý, kiểm tra, giám sát; chủ cơ sở vì lợi nhuận vẫn hoạt động “chui” nên đã xảy ra vụ việc trên. Bà Xuân cũng nhận trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu UBND xã đã lỏng lẻo trong khâu chỉ đạo, quản lý.
Thượng tá Nguyễn Địch Hùng, Phó trưởng Công an huyện Lạng Giang thừa nhận, qua vụ việc ở quán karaoke cà phê Phố cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan, công tác nắm tình hình cơ sở của Công an xã An Hà còn nhiều hạn chế. Công an huyện đã yêu cầu các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm; đồng thời chỉ đạo công an các xã, thị trấn tăng cường nắm địa bàn, di biến động dân cư, nắm chắc người từ địa phương khác về tạm trú, lưu trú tại địa phương; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định PCD.
Công an huyện Lạng Giang giao đội nghiệp vụ điều tra xác minh, củng cố hồ sơ về các vi phạm, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án. Được biết, trên địa bàn huyện Lạng Giang hiện có 277 cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó 60 cơ sở karaoke, 80 cơ sở lưu trú, 5 cơ sở massage.
Cần xử lý nghiêm để răn đe
Trước đó, ngày 1/11/2021, trên địa bàn huyện Yên Thế xuất hiện ổ dịch với hàng chục F0 và hàng trăm F1, F2 liên quan tới nhiều xã trong và ngoài huyện. Ca F0 khởi phát là một công nhân từ tỉnh Bắc Ninh về xã Hương Vĩ (Yên Thế) ăn cỗ cưới. Trong thời gian chờ ăn cỗ, người này có ra quán uống bia ở thị trấn Bố Hạ cùng nhiều người. Trong các ngày 30, 31/10, anh H đi ăn cỗ cưới, đón dâu, tiếp xúc với nhiều người.
Qua 2 ổ dịch xảy ra trên địa bàn huyện Lạng Giang và Yên Thế, nhất là ở Lạng Giang thời gian qua cho thấy, công tác quản lý của chính quyền cơ sở về trật tự xã hội còn yếu, thậm chí buông lỏng.
Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tham tiền, người dân ham vui mà bất chấp các quy định dẫn tới hậu quả quá lớn, làm lây lan dịch bệnh khiến bao người vất vả theo. Mặc dù hoạt động dịch vụ karaoke trên địa bàn toàn tỉnh bị cấm nhưng những cơ sở kinh doanh trên vẫn ngang nhiên hoạt động. Nhiều người đi từ vùng dịch về không khai báo y tế kịp thời. Thực tế, những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bia, cà phê… phần lớn nằm ở trung tâm các xã, thị trấn, hoạt động từ lâu; số người đến tụ tập vui chơi, ăn uống, ca hát đông song lại không bị nhắc nhở, xử lý trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường. Rõ ràng ở đây có sự lỏng lẻo trong quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, lực lượng công an.
Sau vụ việc F0 N.V. H (SN 1993) ở xã Tân Sỏi huyện Yên Thế tiếp xúc nhiều người làm lây lan dịch, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch (PCD) các huyện, thành phố khẩn trương tổng rà soát, xét nghiệm toàn bộ người quản lý, nhân viên, người phục vụ tại 100% quán bia, cơ sở kinh doanh karaoke, massage, xông hơi trên địa bàn toàn tỉnh.
Qua rà soát, toàn tỉnh có gần 3 nghìn người quản lý và nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, xông hơi, quán bia. Đây là nhóm ngành nghề kinh doanh được cho là nhạy cảm, có nguy cơ dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh nhất. Vì thế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những dịch vụ này thường xuyên phải tạm dừng hoạt động.
Có thể nói, từ các ổ dịch xảy ra liên tiếp trên địa bàn một số huyện, nhất là ở Lạng Giang thời gian qua cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý của chính quyền các cấp, Ban Chỉ đạo PCD ở cơ sở. Rút kinh nghiệm từ vụ việc trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các địa phương cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ có nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định PCD. Đặc biệt, cần quy rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị để cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động khi chưa được phép.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nhất là tổ Covid cộng đồng; đấu tranh, tố giác với những hành vi, việc làm sai phạm của các cơ sở kinh doanh, việc bao che của chính quyền địa phương, ngành chức năng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong PCD; thực hiện nghiêm 5K. Đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt các trường hợp đến/về từ vùng dịch, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Nguồn: Báo Bắc Giang Điện tử
Mong bình an