Kết hôn là cột mốc trọng đại của mỗi con người đồng thời cũng là sự kiện pháp lý gắn kết người nam và người nữ, theo đó mỗi bên có quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định cụ thể. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 định nghĩa: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cùng với đó những hành vi vi phạm pháp luật làm tổn hại đến chế độ hôn nhân và gia đình bị cấm, trong đó có hành vi kết hôn giả tạo. Cụ thể theo Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
…
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
1. KẾT HÔN GIẢ TẠO LÀ GÌ?
Khoản 11 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
11. Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”
Kết hôn giả hay kết hôn giả tạo là thuật ngữ chỉ về một cuộc hôn nhân theo những hợp đồng, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do khác lý do xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu. Thay vào đó, một cuộc hôn nhân được dàn xếp vì lợi ích (về kinh tế, chính trị, tài sản, địa vị xã hội, vấn đề cư trú, nhập cảnh…).
Giả tạo được hiểu là không chân thành, không thành thật, cố tạo ra vẻ thật bề ngoài, lừa lọc hoặc lợi dụng người khác. Hiện nay, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu ra nước ngoài làm ăn, sinh sống của nhiều người ngày càng lớn. Vì vậy xuất hiện những cá nhân lợi dụng việc kết hôn để xuất, nhập cảnh, nhập tịch.
Theo quy định của pháp luật “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”.
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Như vậy việc kết hôn giả tạo là một trong những căn cứ để hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2. XỬ LÝ VIỆC KẾT HÔN GIẢ TẠO
Việc xử lý kết hôn giả tạo và hậu quả pháp lý được quy định như sau theo Điều 11, Điều 13 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 11. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật
1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
….”
“Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.”
Ngoài hậu quả trên, việc kết hôn giả tạo có thể chịu chế tài hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;”